Thứ nhất, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng khi bổ nhiệm Thừa phát lại. Theo đó, người có hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại phải đảm bảo các điều kiện như: tuổi đời không quá 65, có phẩm chất đạo đức tốt, bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật, có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật, đã tốt nghiệp khóa đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại và phải đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại. Nghị định số 08/2020/NĐ-CP không còn quy định về bổ nhiệm Thừa phát lại đối với những người đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên.
Thứ hai, quy định mới về đăng ký hành nghề và cấp Thẻ thừa phát lại. Trước đây, Bộ Tư pháp đăng ký hành nghề và cấp Thẻ cho Thừa phát lại. Tuy nhiên, nhằm rút ngắn thời gian đăng ký hành nghề và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề thừa phát lại, Điều 15 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thực hiện việc đăng ký hành nghề và cấp Thẻ cho Thừa phát lại. Đồng thời, Sở Tư pháp ghi tên người được đăng ký hành nghề vào Danh sách Thừa phát lại hành nghề tại địa phương.
Thứ ba, quy định về số lượng Văn phòng thừa phát lại tại một địa bàn cấp huyện thuộc tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để bảo đảm sự tồn tại và phát triển bền vững của các Văn phòng thừa phát lại, không phát triển số lượng Văn phòng thừa phát lại tràn lan, bất hợp lý với điều kiện về kinh tế - xã hội của địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Theo đó, tại Điều 21 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định “Không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính cấp huyện là quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã; không quá 01 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính huyện”.
Thứ tư, đơn giản hóa thủ tục đăng ký hoạt động Văn phòng thừa phát lại. Nếu như theo quy định cũ, Thừa phát lại muốn đăng ký hoạt động Văn phòng thừa phát lại phải mở tài khoản, đăng ký mã số thuế và thực hiện ký quỹ 100 triệu đồng tại tổ chức tín dụng cho mỗi Thừa phát lại hoặc có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì hồ sơ đăng ký hoạt động Văn phòng thừa phát lại bao gồm: Đơn đăng ký hoạt động, bản sao Quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại, giấy tờ chứng minh địa chỉ trụ sở của Văn phòng thừa phát lại và hồ sơ đăng ký hành nghề của Thừa phát lại.
Thứ năm, quy định rõ một số thủ tục liên quan đến loại hình hoạt động của Văn phòng thừa phát lại để nâng cao tính chuyên nghiệp của các Văn phòng thừa phát lại cho phù hợp với pháp luật doanh nghiệp và yêu cầu của thực tiễn. Theo đó, Văn phòng Thừa phát lại được phép chuyển đổi loại hình hoạt động từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty hợp danh và ngược lại hoặc có thể hợp nhất, sáp nhập với Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở trong cùng một địa bàn cấp tỉnh. Ngoài ra, Văn phòng Thừa phát lại hoạt động từ 02 năm trở lên có thể được chuyển nhượng cho các Thừa phát lại.
Thứ sáu, quy định cụ thể các sự kiện, hành vi được lập vi bằng và mở rộng phạm vi lập vi bằng của Thừa phát lại. Theo quy định cũ, Thừa phát lại chỉ được quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại thì hiện nay, Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp không được lập vi bằng theo quy định.
Thứ bảy, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các nhân, tổ chức khi có yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng, Điều 64 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định Văn phòng Thừa phát lại phải niêm yết công khai chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án, trong đó xác định rõ mức tối đa, mức tối thiểu và nguyên tắc tính.