Khen thưởng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật - Động lực để các đơn vị, địa phương phấn đấu

08/08/2022
Bác Hồ thường nhắc nhở chúng ta: “Thi đua khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới. Thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”[1]. Thực tế cho thấy, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng sẽ phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân, phát huy ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết của tập thể; làm cho mỗi cá nhân, tập thể có tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Công tác thi đua, khen thưởng còn góp phần khích lệ, động viên và trở thành động lực thúc đẩy từng cá nhân, tập thể phấn đấu khắc phục khó khăn, hạn chế để vươn lên đạt thành tích tốt trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
 

[1] Trích câu nói của Bác Hồ được dẫn tại Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 03 tháng 6 năm 1998 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới công tác thi đua - khen thưởng trong giai đoạn mới.
 
Với tinh thần đó, nhằm triển khai hiệu quả hoạt động khen thưởng trong thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 (Chương trình), Sở Tư pháp đã phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương thực hiện tổng kết, khen thưởng Chương trình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2021.
Sau 05 năm triển khai thực hiện Chương trình, toàn tỉnh đã tổ chức 38.089 cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trực tiếp cho 3.712.326 lượt người tham dự; 216 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 250.328 lượt người tham dự; phát hành 1.632.511 tài liệu PBGDPL các loại; 163.311 tài liệu dịch sang tiếng dân tộc thiểu số; 189.275 lần phát sóng chương trình PBGDPL trên đài truyền thanh xã; 38.555 tin, bài về pháp luật được đăng tải, phát trên phương tiện thông tin đại chúng; 5.184 chuyên trang, chuyên mục về pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng; thường xuyên được củng cố, kiện toàn với 127 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 48 người làm công tác pháp chế của các cơ quan, đơn vị; 470 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; 3.634 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, 316 công chức tư pháp thực hiện nhiệm vụ PBGDPL. Để có kết quả như trên là sự đóng góp tích cực của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và các cá nhân trên địa bàn tỉnh đã không ngừng phấn đấu, nâng cao chất lượng PBGDPL.
Trên cơ sở những kết quả nổi bật của các tập thể, cá nhân ngay từ các bước khởi đầu như tham mưu, ban hành văn bản hướng dẫn triển khai, thực hiện kịp thời các nội dung, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về Chương trình, Kế hoạch công tác PBGDPL kịp thời đảm bảo bám sát Kế hoạch số 2392/KH-UBND ngày 28/6/2017 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh triển khai thực hiện PBGDPL trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2021 đến việc đưa ra những sáng kiến, mô hình hay, hình thức PBGDPL hiệu quả, thiết thực và thực hiện đạt hoặc vượt mức các mục tiêu đề ra của Kế hoạch số 2392/KH-UBND…. Để kịp thời động viên, khích lệ các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình, Sở Tư pháp đã phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh tổ chức lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhất để trình Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng. Theo đó, ngày 15/11/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1014/QĐ-UBND về việc tặng Bằng khen cho 17 tập thể và 12 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chương trình.
Trong thời gian tới, để tiếp tục khích lệ, động viên tinh thần của các tổ chức, cá nhân phấn đấu hơn nữa, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, cần triển khai một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần xây dựng nội dung khen thưởng trong các chương trình, đề án, kế hoạch… liên quan đến công tác PBGDPL.
Thứ hai, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hoạt động khen thưởng được triển khai hiệu quả đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở; phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh xây dựng các tiêu chí thi đua cụ thể và đăng ký với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh nội dung khen thưởng khi tiến hành sơ kết, tổng kết phong trào thi đua theo chuyên đề về công tác PBGDPL.
Thứ ba, chú trọng khen thưởng các cá nhân, tập thể trực tiếp thực hiện nhiệm vụ để kịp thời khuyến khích, động viên tinh thần; tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng phải có thành tích thật sự tiêu biểu, nổi bật trong công tác tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện, không vì chỉ tiêu mà triển khai hình thức, không phù hợp về đối tượng.
Thứ tư, hồ sơ đề nghị khen thưởng phải đảm bảo quy định về nội dung, hình thức và tuyến trình khen thưởng theo quy định pháp luật hiện hành về thi đua, khen thưởng như: Luật Thi đua, khen thưởng năm ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013; Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2018 của UBND tỉnh quy định về thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Gia Lai./.

 
Nguyễn Hồng Yến
Số lượt xem: 84

Các tin khác