Biên phòng; nhiệm vụ biên phòng; trách nhiệm và chế độ, chính sách của cơ quan, tổ chức, công dân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

29/12/2021
Trong một buổi họp dân tại làng T. thuộc xã biên giới, sau khi nghe Tuyên truyền viên pháp luật của xã phổ biến nội dung khái quát về các văn bản, chính sách pháp luật.
Ông Siu Y. đã mạnh dạn trao đổi, đề nghị Tuyên truyền viên cung cấp thêm thông tin, cũng như các quy định, chính sách của Nhà nước về: Biên phòng; nhiệm vụ biên phòng; trách nhiệm và chế độ, chính sách của cơ quan, tổ chức, công dân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?
 
Gợi ý trả lời
Qua ý kiến trao đổi, đề nghị của ông Siu Y., Tuyên truyền viên pháp luật của xã đã mời đồng chí bộ đội Biên phòng (tham gia tại buổi họp dân) phổ biến, thông tin cho dân làng biết, hiểu rõ các quy định về nhiệm vụ biên phòng với nội dung như sau:
Ngày 11/11/2020, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật Biên phòng Việt Nam. Để hiểu được các quy định, trước tiên cần phải biết nghĩa của các từ ngữ:
Biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.
Nền biên phòng toàn dân là sức mạnh biên phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần và các nguồn lực với phương châm toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường.
Thế trận biên phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ biên phòng phù hợp với Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
Vành đai biên giới là phần lãnh thổ từ đường biên giới quốc gia trên đất liền trở vào từ 100 m đến 1.000 m do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi có biên giới quốc gia quyết định, trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
 * Nhiệm vụ biên phòng với 07 nhiệm vụ chính sau đây (Điều 5):
Một là, xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch bảo vệ biên giới quốc gia.
Hai là, quản lý, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu, công trình khác ở khu vực biên giới.
Ba là, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường; bảo đảm việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
Bốn là, phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới.
Năm là, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện biên giới, phòng thủ dân sự; phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới.
Sáu là, hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài.
Bảy là, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang.
* Trách nhiệm và chế độ, chính sách của cơ quan, tổ chức, công dân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 7), theo đó:
- Cơ quan, tổ chức, công dân có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng thực hiện nhiệm vụ.
- Công dân ở khu vực biên giới có trách nhiệm tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân và các phong trào bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
- Cơ quan, tổ chức, công dân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương tích, tổn hại sức khỏe, tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
* Biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (Điều 20) bao gồm:
- Vận động quần chúng;
- Pháp luật;
- Ngoại giao;
- Kinh tế;
- Khoa học - kỹ thuật;
- Nghiệp vụ;
- Vũ trang.
Số lượt xem: 0

Các tin khác