Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác đương nhiên xóa án tích tại địa phương

11/07/2022
Án tích của một cá nhân ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án và làm hạn chế việc thực hiện các quyền công dân của người bị kết án như: Quyền có công việc nhất định, quyền được hành nghề… Đồng thời, án tích ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bị kết án vì trong một số trường hợp nếu người phạm tội đã bị kết án, thuộc trường hợp có án tích nhưng chưa được xóa là một trong những cơ sở để định tội, để xem xét tái phạm, tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt. Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định 03 trường hợp được xóa án tích, gồm: Đương nhiên được xóa án tích, xóa án tích trong trường hợp đặc biệt, xóa án tích theo quyết định của Tòa án. Trong đó, đương nhiên được xóa án tích là một chế định quan trọng của pháp luật hình sự thể hiện tính nhân đạo và nguyên tắc công bằng, dân chủ, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.
 
Theo quy định tại khoản 4 Điều 70 BLHS năm 2015: “Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này”. Tại khoản 2 Điều 11 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định: Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được xây dựng và quản lý tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và tại Sở Tư pháp.. Với chức năng là cơ quan cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích tại địa phương kể từ ngày BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành đến nay Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai đã cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích đối với 250 trường hợp[1]. Việc thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích cho người có yêu cầu tạo điều kiện cho những người được xóa án tích tái hòa nhập cộng đồng, thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực để làm lại cuộc đời, ổn định cuộc sống, cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai việc thực hiện, công tác xác nhận đương nhiên được xóa án tích tại địa phương vẫn còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:
Thứ nhất, BLHS năm 2015 đã giao thẩm quyền xác nhận các trường hợp đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nhưng Luật lý lịch tư pháp năm 2009 chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thời gian và cơ chế phối hợp xác minh riêng đối với các trường hợp đương nhiên được xóa án tích.
Thứ hai, để xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích đòi hỏi nhiều thời gian, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan cũng như trình độ nghiệp vụ chuyên sâu về pháp luật hình sự và pháp luật lý lịch tư pháp của người làm công tác này. Trong khi đó, đội ngũ công chức làm công tác lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ.
Thứ ba, hệ thống lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp chưa đầy đủ các thông tin về án tích và tình trạng thi hành các nghĩa vụ dân sự khác của người bị kết án, gây khó khăn cho Sở Tư pháp trong việc tra cứu thông tin, xác nhận đương nhiên được xóa án tích nên khi người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp có án tích, Sở Tư pháp phải phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án đề nghị cung cấp bản án và phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh việc chấp hành các nội dung về thi hành án dân sự, hình sự, các quyết định khác của bản án và tình hình phạm tội mới tại các cơ quan có liên quan như Công an, Tòa án, UBND cấp xã nơi người bị kết án cư trú sau khi chấp hành xong bản án về việc người đó bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời hạn đang có án tích hay không và nhận được kết quả xác minh trong thời hạn 09 ngày làm việc đối với cơ quan Công an, 05 ngày làm việc đối với Tòa án và 10 ngày làm việc  đối với UBND cấp xã nơi người bị kết án cư trú... Trong khi đó, thời hạn thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật lý lịch tư pháp từ 10 ngày làm việc đến 15 ngày làm việc, nên gây áp lực rất lớn cho Sở Tư pháp trong công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người yêu cầu xóa án tích. Bên cạnh đó, có những trường hợp bản án đã được Tòa án tuyên khá lâu nên người bị kết án cũng như các cơ quan có liên quan không còn lưu giữ được các giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc thi hành bản án nên không cung cấp được thông tin về án tích của người đã bị kết án. Có nhiều trường hợp một người có nhiều án tích hoặc cư trú ở nhiều địa phương khác nhau nên Sở Tư pháp phải xác minh đến rất nhiều cơ quan, trong thời gian dài nhưng vẫn chưa đủ căn cứ xác định rõ tình trạng án tích của công dân để cấp phiếu lý lịch tư pháp. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp hiện nay không quản lý và lưu trữ các thông tin từ giai đoạn khởi tố mà chỉ lưu trữ, quản lý thông tin từ giai đoạn bản án có hiệu lực pháp luật.
Với những khó khăn nêu trên, để việc thực hiện công tác xác nhận đương nhiên được xóa án tích tại địa phương đạt kết quả và chất lượng trong thời gian tới, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, theo hướng quy định thời gian xác minh dài hơn đối với các trường hợp đương nhiên được xóa án tích để các cơ quan đủ thời gian phối hợp xác minh các thông tin về án tích và việc chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới của người bị kết án.
Thứ hai, nghiên cứu và bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp những bản án được tuyên trước đây nhưng các cơ quan có thẩm quyền không còn lưu trữ được hồ sơ bản án, quá trình thi hành án hình sự nên không cung cấp được thông tin về án tích của người đã bị kết án. Đối với trường hợp Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan để xác minh về nghĩa vụ thi hành án dân sự của người bị kết án nhưng do bản án được tuyên quá lâu nên không còn lưu trữ được hồ sơ thi hành án dân sự thì đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng cho người dân tự cam đoan về việc đã thực hiện hay chưa thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự. Trên cơ sở nội dung cam đoan, Sở Tư pháp sẽ cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người có yêu cầu có án tích hay không có án tích, nếu phát hiện trường hợp người dân cam đoan sai sự thật thì cơ quan có thẩm quyền sẽ thu hồi, hủy bỏ phiếu lý lịch tư pháp đã cấp.
Thứ ba, đề nghị Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp thực hiện kết nối, chia sẻ các thông tin về án tích có trên cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước với nhau để rút ngắn thời gian tra cứu xác minh đối với trường hợp một người có nhiều án tích hoặc cư trú ở nhiều địa phương khác nhau.
Thứ tư, chủ động rà soát, cập nhật thông tin về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người đã bị kết án vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đầy đủ, hoàn thiện thuận tiện cho việc tra cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lý lịch tư pháp. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền đẩy mạnh đến cho người dân được biết về việc áp dụng các phương thức cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, cấp phiếu trực tuyến để người dân thực hiện quyền lợi của mình trong việc yêu cầu thực hiện xóa án tích và cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính tạo thuận lợi nhất cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu.
Thứ năm, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, biên chế cùng với tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Theo đó, chú trọng bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp, đặc biệt là xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích.
Công tác xác nhận đương nhiên được xóa án tích mang tính nhân đạo sâu sắc, tạo điều kiện cho người phạm tội không bị mặc cảm bởi sự phân biệt đối xử trong xã hội sau khi chấp hành án. Tuy nhiên, chính sách nhân đạo này đối với người bị kết án chỉ được thể hiện khi nó được gắn liền và cụ thể hóa trong việc cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận người đã từng bị kết án là “không có án tích”.  Với những giải pháp nêu trên, hy vọng trong thời gian tới việc thực hiện công tác đương nhiên được xóa án tích tại địa phương đạt kết quả và chất lượng cao hơn./.
Đào Thị Kim Hưng
- Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai -
 

[1] Số liệu tính từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/10/2021.
Số lượt xem: 14

Các tin khác