Quyền kết hôn của người đang chấp hành hình phạt tù theo pháp luật Việt Nam

15/06/2022
Kết hôn là một trong những quyền công dân, được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận tại Điều 36; đồng thời được cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Hộ tịch năm 2014. Theo quy định của pháp luật hiện hành, thủ tục kết hôn là một trong những thủ tục hành chính được thực hiện đối với các trường hợp đủ điều kiện kết hôn, không vi phạm điều cấm của pháp luật[1]. Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn đề cập đến quyền kết hôn của người đang chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật Việt Nam.
 

[1] Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
 
Theo quy định tại Điều 18 Luật Hộ tịch năm 2014 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016) quy định thủ tục đăng ký kết hôn đối với công dân trong nước như sau:
“1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc”.
Trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, tức 01 bên là người nước ngoài thì thẩm quyền được quy định theo Điều 37 Luật Hộ tịch năm 2014 do Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài. So với thủ tục đăng ký kết hôn trong nước được thực hiện đơn giản, thẩm quyền do cấp xã thực hiện thì thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài được quy định chặt chẽ hơn, thẩm quyền do Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhằm đảm bảo các yêu cầu tương thích với pháp luật quốc tế, tránh lạm dụng thông qua thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài để nhằm mua bán phụ nữ, lạm dụng tình dục hoặc để định cư tại các nước phát triển[1]. Tuy nhiên, về quyền kết hôn của người đang chấp hành hình phạt tù thì qua hơn 07 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định.
Ở nước ta, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật, nguyên tắc quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng[2].
Phạm nhân là người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân, phải chịu sự quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo tại cơ sở giam giữ phạm nhân. Một trong những nguyên tắc của thi hành án hình sự đó là: Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án; bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong hoạt động thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật; khuyến khích người chấp hành án ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo... Như vậy, theo quy định của pháp luật, là phạm nhân không đồng nghĩa với việc họ bị tước hết mọi quyền mà theo từng loại tội phạm họ có thể bị tước các quyền như: quyền bầu cử, ứng cử, quyền tự do đi lại, cư trú, quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân... kể cả sau khi phạm nhân chấp hành xong hình phạt tù; không phải khi bản án hình sự có hiệu lực và quyết định thi hành án phạt tù được thi hành thì phạm nhân sẽ bị tước hết các quyền. Tuy nhiên, quyền kết hôn đối với phạm nhân sẽ thực thi như thế nào phụ thuộc vào “độ mở” của pháp luật. Chúng ta biết rằng đã là phạm nhân thì đương nhiên sẽ mất đi một số quyền nhất định, không thể giống như những công dân bình thường, có những quyền tuy được ghi nhận trong các văn bản pháp luật nhưng chỉ có thể thực thi khi được quy định trong các văn bản pháp luật cụ thể.
Xuất phát từ quy định: Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, ký tên vào sổ hộ tịch, vào giấy kết hôn thì thủ tục này mới hoàn thành và hợp pháp.
Tại khoản 17 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về việc trích xuất phạm nhân như sau:
“Trích xuất là việc thực hiện quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này đưa phạm nhân, người bị kết án tử hình hoặc người chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng ra khỏi nơi quản lý và chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, khám bệnh, chữa bệnh, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo trong thời hạn nhất định”. Theo quy định này, phạm nhân chỉ được trích xuất ra khỏi trại giam để phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, khám chữa bệnh, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo trong thời hạn nhất định mà không được trích xuất để thực hiện việc đăng ký kết hôn. Mặt khác, Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC  ngày 17/6/2020 của  Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trích xuất phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, cũng không quy định đối với trường hợp này. Vì vậy, mặc dù không bị cấm đăng ký kết hôn nhưng người đang chấp hành hình phạt  tù không thể thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn.
          Theo quy định của tại khoản 1 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, phạm nhân được gặp thân nhân 01 lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 01 giờ. Căn cứ kết quả xếp loại chấp hành án, yêu cầu giáo dục cải tạo, thành tích lao động, học tập của phạm nhân, Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quyết định kéo dài thời gian gặp thân nhân nhưng không quá 03 giờ hoặc được gặp vợ, chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ. Phạm nhân được khen thưởng hoặc lập công thì được gặp thân nhân thêm 01 lần trong 01 tháng. Như vậy, trong thực tế có những trường hợp phạm nhân có hôn nhân thực tế nhưng chưa đăng ký kết hôn thì không được gặp.
Theo Báo cáo của Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an bình quân một năm, mỗi phạm nhân có từ 4 - 7 lượt thăm gặp, chủ yếu thăm gặp thêm giờ. Số lượt thăm gặp tăng hơn từ năm 2010 đến năm 2018, cụ thể như năm 2010 có 435.531 lượt thăm gặp trực tiếp và 318.630 lượt liên lạc bằng điện thoại trong tổng số 100.662 phạm nhân (Trung bình mỗi phạm nhân có 4.33 lượt thăm gặp trực tiếp, và 3,2 lượt liên lạc bằng điện thoại trong một năm). Năm 2017 có 684.830 lượt thăm gặp trực tiếp và 903.496 lượt liên lạc bằng điện thoại trong tổng số 136.777 phạm nhân. Theo kết quả phỏng vấn trực tiếp cho thấy, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ điều kiện thăm gặp của gia đình phạm nhân như điều kiện kinh tế, điều kiện địa lý, nên việc thăm gặp nhiều khi cũng không sử dụng hết lượt thăm gặp mà luật cho phép. Việc tổ chức thăm gặp vẫn có nhiều bất cập xuất phát từ cơ sở giam giữ, ở một số trại giam lịch thăm gặp của người nhà phạm nhân vẫn còn phụ thuộc vào lịch của Trại giam[3]. Phạm nhân cũng là một con người, không phải tất cả phạm nhân đều không thể giáo dục, cải tạo được. Mục đích của hình phạt là nhằm giáo dục, cải tạo để phạm nhân trở thành người tốt.
          Để quyền kết hôn của người đang chấp hành hình phạt tù được thực thi trên thực tế cần thiết phải thể chế hóa bằng pháp luật. Theo đó, cần cụ thể hóa bằng quy định của pháp luật đối với trường hợp những phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công được phép đăng ký kết hôn. Không cần thiết phải trích xuất phạm nhân mà có thể xem xét ý chí tự nguyện kết hôn của hai bên nam, nữ, đồng thời có thể quy định riêng thủ tục đăng ký kết hôn đối với phạm nhân. Đây là một trong những chính sách nhân đạo của pháp luật, phù hợp với truyền thống đạo đức của người Việt Nam./.

Nguyễn Quang Quý
- Trưởng Phòng Bổ trợ tư pháp -

 

[1] https://vksndtc.gov.vn/thong-tin/phong-chong-ma-tuy--mua-ban-nguoi/tinh-hinh-toi-pham-mua-ban-nguoi-trong-giai-doan-h-d14-t7696.html?Page=3#new-related
[2] Khoản1,  khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013
[3] Nguồn: Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an
 
Số lượt xem: 348

Các tin khác