“KỆ SÁCH PHÁP LUẬT” CỦA BÁC TRƯỞNG THÔN

31/12/2021
Ông Ksor P. có việc nên đến nhà ông Nguyễn Xuân Tr. (thôn trưởng) để trao đổi.
Ông Tr. đang sắp xếp sách lên kệ sách, thì nghe thấy tiếng gõ cửa và chào của ông Ksor P.
Ông P.: Chào bác ạ!
Ông Tr.: Bác P. đấy à, mời bác vào.
Ông P.: Nhà bác có kệ sách mới đẹp vậy, có cả tên là “Kệ sách pháp luật” luôn.
Ông P. (thấy cái kệ này hay hay) nên hỏi tiếp: Chà, nhà bác mới đầu tư thêm cái kệ sách pháp luật này lúc nào mà tôi không thấy bác giới thiệu nhỉ? Tài liệu pháp luật cũng nhiều ấy chứ?
 
Ông Tr. (Cười khoái chí) đáp: Tôi mới hoàn thành công trình này đấy! Số là, từ ngày mình được bầu làm Thôn trưởng thì cũng được nhận công chức tư pháp - hộ tịch xã cấp phát các tài liệu phổ biến pháp luật do Sở Tư pháp và các cơ quan ở tỉnh gửi về. Theo thời gian, số lượng cũng được kha khá, để bảo quản các tài liệu, tôi mới làm công trình “Kệ sách pháp luật” này đấy. Tài liệu cấp phát về đa dạng lắm bác ạ, có đủ các loại…
(Ông Tr. rất khoái chí kể cho ông P. về lý do, mục đích, ý nghĩa… của cái công trình “Kệ sách pháp luật” của ông)
Ông Tr.: Chà, mãi nói về kệ sách tôi quên mất, mời bác ngồi uống nước và nhâm nhi ly cà phê với tôi nhé!
Ông Tr. hỏi tiếp: Hôm nay bác qua nhà tôi chắc có việc gì đúng không, bình thường tôi thấy bác cứ lên rẫy làm việc suốt ấy mà.
Ông P.: Vâng, tôi có việc muốn trao đổi với bác! Việc là thế này:
Con trai tôi được trường chọn chuẩn bị tham gia cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” nên nó thắc mắc mấy vấn đề về luật. Mà bác biết đấy, tôi suốt ngày ở rẫy nên cũng không biết rõ các quy định của pháp luật lắm.
Mà ở thôn mình, ai cũng biết bác Tr. là người thích tìm hiểu và hay tham gia công tác phổ biến pháp luật cho bà con nhân dân trong thôn, còn tham gia các cuộc thi của xã, huyện, tỉnh tổ chức. Nên tôi qua để nhờ bác thông tin, mượn một số tài liệu cho cháu ôn thi.
Ông Tr.: À ra thế, tưởng chuyện gì. Chứ chuyện này thì đơn giản mà. Tôi có sẳn các tài liệu ở đây, bác chọn các cuốn có liên quan cho cháu đọc nhé.
Ông P.: Trong đề cương ôn thi có nội dung này:
“Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính; nguyên tắc xác định hành vi vi phạm hành chính, áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả và sự kiện bất khả kháng được quy định trong văn bản nào? Nêu nội dung của quy định?”
Nhờ bác thông tin giúp tôi nhé!
Ông Tr.: Nội dung này được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020; được quy định chi tiết bằng Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, ngày 23/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022). Theo đó:
* Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Điều 7 của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP:
- Quy định áp dụng văn bản quy phạm pháp luật (Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật):
+ Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
+ Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
+ Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
+ Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
+ Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.
- Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính (Điều 7 của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP)
+ Việc lựa chọn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đã nói ở trên).
+ Trường hợp hành vi vi phạm hành chính được thực hiện trong một khoảng thời gian có nhiều nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có hiệu lực, mà không xác định được nghị định để áp dụng (theo quy định nêu trên), thì việc lựa chọn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện như sau:
Nếu hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để xử phạt.
Nếu hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để xử phạt.
* Nguyên tắc xác định hành vi vi phạm hành chính, áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả và sự kiện bất khả kháng (được quy định tại Điều 8 của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP)
- Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo nguyên tắc:
+ Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc là hành vi được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ xác định hành vi đã thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính.
+ Hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện là hành vi đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính và hành vi đó vẫn đang xâm hại trật tự quản lý nhà nước.
- Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả chỉ được áp dụng khi Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả này đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được thực hiện xuất phát trực tiếp từ điều kiện, hoàn cảnh khách quan do dịch bệnh hoặc phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, để xác định việc có hay không xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải xác minh, thu thập đầy đủ thông tin, số liệu, giấy tờ hoặc tài liệu có liên quan đến vi phạm hành chính để làm rõ các tình tiết của vụ việc cụ thể. Nếu xác định dịch bệnh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi vi phạm hành chính; đối tượng thực hiện hành vi vi phạm không thể lường trước được hoàn cảnh dịch bệnh và không thể khắc phục được, mặc dù đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép để khắc phục, thì có thể áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính để không xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:
“Điều 11. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính
Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây:
1. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
3. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
4. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
5. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính”.
Ông Tr.: Mới có một nội dung mà bác thấy nhiều quy định chưa? Cái này phải đọc thêm các tài liệu thì mới có thể nắm được nội dung.
Ông P.: Vâng, cảm ơn bác, bác cho tôi mượn các tài liệu có liên quan này nhé, chắc cháu nhà tôi sẽ thích lắm đây!
Ông Tr.: Bác cứ lấy về cho cháu tham khảo. Xong thi trả lại tôi nhé! Chúc cháu ôn thi và đạt kết quả cao trong cuộc thi.
(Ông P. và ông Tr. tiếp tục nhâm nhi ly cà phê và nói chuyện thêm về các nội dung có trong “Kệ sách pháp luật”).
Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Gia Lai
Số lượt xem: 2

Các tin khác