Sau khi kết thúc đợt thi 04, Ban Tổ chức Cuộc thi công bố đáp án cụ thể như sau:
1. PHẦN TRẮC NGHIỆM
Câu 1: (01 điểm) Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Convenant on Civil and Political Rights - được viết tắt là ICCPR) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày tháng năm nào?
A. Ngày 06/02/1966.
B. Ngày 12/06/1966.
C. Ngày 16/12/1966.
(Đáp án đúng là C, cụ thể: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Convenant on Civil and Political Rights) được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết số 2200 (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Có hiệu lực ngày 23/3/1976).
Câu 2: (01 điểm) Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) vào ngày tháng năm nào?
A. Ngày 24/9/1982.
B. Ngày 25/9/1982.
C. Ngày 26/9/1982.
(Đáp án đúng là A, cụ thể: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị vào ngày 24/9/1982. Thông tin và toàn văn Công ước ICCPR được Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đăng tải ở đường dẫn: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ho-so-su-kien-nhan-chung/luat-quoc-te/cong-uoc-quoc-te-ve-cac-quyen-dan-su-va-chinh-tri-1966-viet-nam-gia-nhap-ngay-2491982-3414).
Câu 3: (01 điểm) Quyền tự quyết theo quy định của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) quy định như thế nào?
A. Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá.
B. Vì lợi ích của mình, mọi dân tộc đều có thể tự do định đoạt tài nguyên thiên nhiên và của cải của mình, miễn là không làm phương hại đến các nghĩa vụ phát sinh từ hợp tác kinh tế quốc tế mà dựa trên nguyên tắc các bên cùng có lợi và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được phép tước đi những phương tiện sinh tồn của một dân tộc.
C. Cả hai đáp án trên.
D. Đáp án A đúng, đáp án B sai.
(Đáp án đúng là C, cụ thể: Khoản 1 và 2 Điều 1 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định:
- Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá.
- Vì lợi ích của mình, mọi dân tộc đều có thể tự do định đoạt tài nguyên thiên nhiên và của cải của mình, miễn là không làm phương hại đến các nghĩa vụ phát sinh từ hợp tác kinh tế quốc tế mà dựa trên nguyên tắc các bên cùng có lợi và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được phép tước đi những phương tiện sinh tồn của một dân tộc).
Câu 4: (01 điểm) Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) quy định như thế nào về quyền bảo vệ sự riêng tư?
A. Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư của cá nhân, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.
B. Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống gia đình, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.
C. Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào gia đình, nhà ở hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.
D. Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.
(Đáp án đúng là D, cụ thể: Điều 17 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định:
- Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín.
- Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy).
Câu 5: (01 điểm) “Mọi hình thức tuyên truyền cho chiến tranh đều bị pháp luật nghiêm cấm; mọi chủ trương gây hằn thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch, hoặc bạo lực đều phải bị pháp luật nghiêm cấm” được quy định tại Điều bao nhiêu của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR)?
A. Điều 02.
B. Điều 12.
C. Điều 20.
D. Điều 22.
(Đáp án đúng là C, cụ thể: Điều 20 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định:
- Mọi hình thức tuyên truyền cho chiến tranh đều bị pháp luật nghiêm cấm.
- Mọi chủ trương gây hằn thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch, hoặc bạo lực đều phải bị pháp luật nghiêm cấm).
Câu 6: (01 điểm) Quyền trẻ em được Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) ghi nhận như thế nào?
A. Mọi trẻ em, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản hoặc dòng dõi đều có quyền được hưởng những biện pháp bảo hộ của gia đình, xã hội và nhà nước cần thiết cho người chưa thành niên.
B. Mọi trẻ em đều phải được đăng ký khai sinh ngay sau khi ra đời và phải có tên gọi; mọi trẻ em đều có quyền có quốc tịch.
C. Đáp án A và B đúng.
(Đáp án đúng là C, cụ thể: Điều 24 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định:
- Mọi trẻ em, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản hoặc dòng dõi đều có quyền được hưởng những biện pháp bảo hộ của gia đình, xã hội và nhà nước cần thiết cho người chưa thành niên.
- Mọi trẻ em đều phải được đăng ký khai sinh ngay sau khi ra đời và phải có tên gọi.
- Mọi trẻ em đều có quyền có quốc tịch).
Câu 7: (01 điểm) Quyền của người thiểu số được Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) quy định như thế nào?
A. Ở những quốc gia có nhiều nhóm thiểu số về sắc tộc, những cá nhân thuộc các nhóm thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không bị khước từ quyền có đời sống văn hoá riêng, quyền được theo và thực hành tôn giáo riêng, hoặc quyền được sử dụng ngôn ngữ riêng của họ.
B. Ở những quốc gia có nhiều nhóm thiểu số về tôn giáo, những cá nhân thuộc các nhóm thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không bị khước từ quyền có đời sống văn hoá riêng, quyền được theo và thực hành tôn giáo riêng, hoặc quyền được sử dụng ngôn ngữ riêng của họ.
C. Ở những quốc gia có nhiều nhóm thiểu số về sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ, những cá nhân thuộc các nhóm thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không bị khước từ quyền có đời sống văn hoá riêng, quyền được theo và thực hành tôn giáo riêng, hoặc quyền được sử dụng ngôn ngữ riêng của họ.
(Đáp án đúng là C, cụ thể: Điều 27 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định: Ở những quốc gia có nhiều nhóm thiểu số về sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ, những cá nhân thuộc các nhóm thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không bị khước từ quyền có đời sống văn hoá riêng, quyền được theo và thực hành tôn giáo riêng, hoặc quyền được sử dụng ngôn ngữ riêng của họ).
Câu 8: (01 điểm) Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền nào sau đây?
A. Quyền con người, quyền công dân về dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
B. Quyền con người, quyền công dân về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
C. Quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, văn hóa, xã hội.
D. Quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
(Đáp án đúng là D, cụ thể: Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật).
Câu 9 (01 điểm): Ở nước ta, công dân đủ bao nhiêu tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân?
A. 16 tuổi.
B. 18 tuổi.
C. 21 tuổi
(Đáp án đúng là B, cụ thể: Điều 29 Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân).
Câu 10: (01 điểm) Công dân Việt Nam đủ bao nhiêu tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân?
A. 21 tuổi
B. 25 tuổi
C. 31 tuổi
(Đáp án đúng là A, cụ thể: Điều 27 Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định).
Câu 11: (01 điểm) Ở nước ta, quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của mọi người được Hiến pháp quy định như thế nào?
A. Công dân có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.
B. Công dân có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng.
C. Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng.
(Đáp án đúng là C, cụ thể: Điều 38 Hiến pháp năm 2013 quy định:
- Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.
- Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng).
2. PHẦN TỰ LUẬN
Câu 12: (05 điểm) Sau khi tìm hiểu các quy định về quyền con người; các quyền về dân sự, chính trị. Theo bạn, mỗi cá nhân phải làm gì để bảo đảm các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận?
Gợi ý chấm điểm:
* Điểm câu hỏi:
- Nêu khái quát được về quyền con người; các quyền về dân sự, chính trị được ghi nhận tại Công ước ICCPR, Chương II Hiến pháp năm 2013 (2 điểm).
- Nêu được ý: Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (1 điểm).
- Đưa ra được ý kiến cá nhân về việc bảo đảm quyền con người; các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận (2 điểm).
* Điểm khuyến khích (nếu có): Câu trả lời hay, có tính thực tế có thể phổ biến để mọi người cùng thực hiện được cộng thêm điểm khuyến khích (tối đa 01 điểm).