Trách nhiệm bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông và trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông

23/12/2020
Nhà anh Huy kinh doanh vật liệu xây dựng và đang xây nhà cao tầng của gia đình, hằng ngày anh Huy liên tục chở sỏi, cát, đá, gạch… đến công trình. Đáng nói là, do xe không được che chắn nên vật liệu thường xuyên rơi vãi ra đường và xung quanh nhà anh. Gần chục gia đình trong dãy phố, ngày nào cũng phải quét dọn và chịu bụi bẩn trước cửa nhà. Nhiều người cũng đã nhắc nhở nhưng anh Huy phớt lờ khiến nhiều người bức xúc nên báo cáo với Tổ dân phố. Nghiêm trọng hơn, ngày 30/8/2020 anh Huy lái xe tải chở vật liệu xây dựng từ cửa hàng về nhà để cho thợ xây dựng tiếp tục hoàn thiện công trình cho mình. Trên đường vận chuyển, do không chằng buộc chắc chắn nên một thanh sắt rơi xuống và nằm chắn ngang đường đi, đúng lúc đó, ông Thanh đi xe máy tới không kịp phanh nên đã lao qua thanh sắt và bị trượt bánh xe ngã xuống đường. Hậu quả là ông Thanh bị gẫy chân phải điều trị mất 01 tháng với tổng số tiền phải thanh toán cho bệnh viện là 15.000.000 đồng. Trong thời gian đó, con gái ông Thanh phải xin nghỉ việc không lương để chăm sóc cho ông.

Hỏi: Trách nhiệm bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông
trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông của anh Huy được quy định như thế nào? Anh Huy phải bồi thường cho ông Thanh những khoản nào?
 
 
Gợi ý:

- Về trách nhiệm bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông: Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, anh Huy đã vi phạm quy định: Chở vật liệu xây dựng không có mui, bạt che đậy để rơi vãi đất, đá xuống mặt đường, gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Mức xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng. Ngoài ra, anh Huy phải có trách nhiệm thu dọn vật liệu rơi vãi, khắc phục tình trạng bụi làm ô nhiễm môi trường.

- Về trách nhiệm đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông: Khoản 1 và khoản 2 Điều 20 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ như sau:

“1. Hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe.

2. Khi xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau xe thì ban ngày phải có cờ báo hiệu màu đỏ, ban đêm hoặc khi trời tối phải có đèn đỏ báo hiệu”.

Theo quy định trên, khi chở hàng hoá trên xe, anh Huy có trách nhiệm chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn giao thông.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, anh Huy đã vi phạm quy định:Vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc có chằng buộc nhưng không chắc chắn. Mức phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng. 

- Về xác định thiệt hại mà anh Huy phải bồi thường cho ông Thanh:

Tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về xác định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.

Trong tình huống này, anh Huy đã gây ra thiệt hại về sức khỏe cho ông Thanh, theo quy định nêu trên, những thiệt hại mà anh Huy phải bồi thường bao gồm:

+ Chi phí điều trị cho ông Thanh là 15.000.000 đồng;

+ Thu nhập bị mất, hoặc bị giảm sút của ông Thanh (nếu có), tính theo mức thực tế;

+ Chi phí đi lại, ăn ở và thu nhập bị mất của con gái ông Thanh trong thời gian chăm sóc cho ông Thanh (tính theo mức thực tế một cách hợp lý);

+ Một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do anh Huy và ông Thanh tự thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết nhưng mức tối đa không vượt quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
 
- Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai -
Số lượt xem: 3

Các tin khác