Quy định mới về chuyển từ biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sang áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022)

29/12/2021

Gia đình ông Nguyễn S. có con trai là Nguyễn Xuân D. (17 tuổi) thường xuyên trốn nhà, tụ tập, la cà, nhậu nhẹt, gây gổ đánh nhau, đua xe trái phép… Nhiều lần bị Công an xã triệu tập, nhắc nhở, và cũng có lần bị lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính. Có lần D. sau khi tụ tập đánh bạc bị thua nên tham gia trộm cắp tài sản bị bắt quả tang. Ủy ban nhân dân xã đã lập hồ sơ xử lý vi phạm và đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại khoản 3 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Trong thời gian bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, D. đã nhận thức được lỗi lầm và có những chuyển biến tích cực. Ông S. được biết là có quy định mới về chuyển từ biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sang áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022). Ông S. muốn biết các nội dung ông đang thắc mắc được quy định ở đâu và cụ thể như thế nào?
 

Gợi ý trả lời

Nội dung mà ông S. đang thắc mắc và muốn biết được quy định cụ thể tại Nghị định số 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Nghị định này thay thế Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

 Theo đó, quy định về chuyển từ biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sang áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình được quy định như sau:

Theo quy định tại Điều 89 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật XLVPHC): “Giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 90 của Luật này để giáo dục, quản lý họ tại nơi cư trú trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi cộng đồng”.

Khoản 4 Điều 2 Luật XLVPHC quy định: Biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính là biện pháp mang tính giáo dục được áp dụng để thay thế cho hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, bao gồm biện pháp nhắc nhở, biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng và biện pháp quản lý tại gia đình.

* Điều kiện chuyển sang áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình được quy định tại Điều 6 của Nghị định số 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 của Chính phủ, cụ thể:

- Đối tượng có thể được xem xét, quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình là:

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép.

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép nhưng không phải là tội phạm.

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

- Các đối tượng nêu trên được xem xét, quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện:

+ Tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình;

+ Gia đình có nguồn thu nhập ổn định; có chỗ ở để người chưa thành niên sống cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; có điều kiện phối hợp với cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc giáo dục, quản lý người chưa thành niên;

+ Cha, mẹ hoặc người giám hộ có nhân thân tốt, tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý người chưa thành niên tại gia đình; có thời gian để giáo dục, quản lý, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để người chưa thành niên tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề; các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương;

+ Có bản cam kết của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

- Thời hạn áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình từ 03 tháng đến 06 tháng.

* Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình

- Người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (quy định tại khoản 1 Điều 105 của Luật XLVPHC) gồm:

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi người vi phạm cư trú;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định đặt trụ sở;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần cuối, không có nơi cư trú ổn định.

- Người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình (quy định tại khoản 2 Điều 140 của Luật XLVPHC) là: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chưa thành niên cư trú.

- Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách Ủy ban nhân dân cấp xã (theo quy định tại Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ) có thẩm quyền áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình như Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Số lượt xem: 24

Các tin khác