CHÀO MỪNG TRUY CẬP HỆ THỐNG DỮ LIỆU BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT VÀ TUYÊN TRUYỀN VIÊN PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

GIỚI THIỆU


“Hệ thống quản lý dữ liệu Báo cáo viên pháp luật và Tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn tỉnh tỉnh Gia Lai” (gọi tắt là Hệ thống) được xây dựng để phục vụ việc: Triển khai thống nhất các quy định về công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật, công nhận cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật từ cấp tỉnh xuống cấp xã; xây dựng được dữ liệu chung, tổng hợp, báo cáo kịp thời thông tin, số liệu, kết quả kiện toàn, quản lý hoạt động… Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, thống nhất cách thức quản lý, sử dụng, thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn tỉnh.
 

BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT

1. Tiêu chuẩn: Báo cáo viên pháp luật là cán bộ, công chức, viên chức và sỹ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận để kiêm nhiệm thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

Báo cáo viên pháp luật phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

a) Có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng vững vàng, có uy tín trong công tác;

b) Có khả năng truyền đạt;

c) Có bằng tốt nghiệp đại học luật và thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật ít nhất là 02 năm; trường hợp không có bằng tốt nghiệp đại học luật, nhưng có bằng tốt nghiệp đại học khác thì phải có thời gian công tác liên quan đến pháp luật ít nhất là 03 năm.

2. ​Quyền và nghĩa vụ của báo cáo viên pháp luật

a) Các quyền:

- Được cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, thông tin, tài liệu pháp luật phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Được hưởng thù lao và chế độ theo quy định của pháp luật.

b) Các nghĩa vụ:

- Thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo sự phân công; truyền đạt chính xác nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Không được tiết lộ bí mật nhà nước và thực hiện các hành vi bị cấm khác;

- Hằng năm, báo cáo về hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật do mình thực hiện với cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp.

3. Phạm vi hoạt động:

a) Báo cáo viên pháp luật của cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên của Mặt trận tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là báo cáo viên pháp luật tỉnh) thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công nhận báo cáo viên pháp luật.

b) Báo cáo viên pháp luật của cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên của Mặt trận quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là báo cáo viên pháp luật huyện) thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương nơi công nhận báo cáo viên pháp luật.

4. Công nhận:

Căn cứ vào yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và điều kiện thực tế chỉ đạo tổ chức pháp chế, đơn vị được giao phụ trách công tác pháp chế, phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, tổ chức cấp tỉnh/huyện lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức và sỹ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật để Thủ trưởng cơ quan, tổ chức cấp tỉnh có văn bản đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật gửi Sở Tư pháp/Phòng Tư pháp tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/cấp huyện xem xét, quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh/huyện.

5. Số lượng: Số lượng báo cáo viên pháp luật của ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức cấp tỉnh/cấp huyện do Thủ trưởng ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức cấp tỉnh/cấp huyện đó quyết định, bảo đảm mỗi lĩnh vực pháp luật thuộc phạm vi quản lý chuyên sâu có ít nhất 01 báo cáo viên pháp luật kiêm nhiệm thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

 
Sign-up-User-QLBCV-v-1-0.png
Sign-in-User-QLBVC.png

TUYÊN TRUYỀN VIÊN PHÁP LUẬT

1. Tiêu chuẩn: Tuyên truyền viên pháp luật ở xã, phường, thị trấn (gọi tắt là tuyên Truyền viên pháp luật) là người có uy tín, kiến thức, am hiểu về pháp luật được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận.

2. Các quyền: Tuyên truyền viên pháp luật được cung cấp văn bản pháp luật; được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; hưởng thù lao, chế độ theo quy định của pháp luật.

3. Phạm vi hoạt động:

Tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn xã, phường, thị trấn nơi công nhận tuyên truyền viên pháp luật.

4. Công nhận: 

Định kỳ tháng 9 hàng năm, công chức Tư pháp - Hộ tịch chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận, Trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi là địa bàn cơ sở) và người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn cấp xã thông báo công khai tiêu chuẩn tuyên truyền viên pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; các quy định về công nhận tuyên truyền viên pháp luật tới cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn cơ sở để tự nguyện đăng ký tham gia làm tuyên truyền viên pháp luật.

5. Số lượng: Căn cứ vào yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nhu cầu, điều kiện thực tế trên địa bàn cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận tuyên truyền viên pháp luật, bảo đảm có đủ nguồn lực để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn.

Hệ thống BCV-TTVPL-V.2.0 - Phiên bản 09.23.04.26
Thiết kế và vận hành: Đại Đồng, Hồ